Quý 1/2021, Long An thu hút dòng vốn FDI gần 3,2/10,2 tỉ USD của cả nước. Ngày 19.4, UBND tỉnh Long An sẽ chủ trì tọa đàm “Phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” với nhiều đột phá trong thu hút đầu tư.
Những con số ấn tượng
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tính từ đầu năm đến ngày 20.3, tỉnh Long An đã thu hút gần 3,2 tỉ USD vốn đầu tư từ nước ngoài, chiếm gần 32% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam thu hút vốn FDI được 10,13 tỉ USD. Xét theo địa bàn đầu tư, Long An là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Long An, cho biết kết quả công bố của Bộ KH-ĐT là đáng phấn khởi. Trong tổng vốn gần 3,2 tỉ USD của các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vào Long An thì Dự án (DA) Nhà máy Điện khí LNG Long An I và II có tổng vốn đăng ký lớn nhất với trên 3,1 tỉ USD. Ngoài DA này, trong quý 1/2021, tỉnh Long An còn cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 DA mới và có thêm 6 DA tăng vốn thuộc khu vực FDI. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.111 DA FDI với tổng vốn đăng ký trên 9,17 tỉ USD, trong đó có 588 DA hoạt động, chiếm gần 53% tổng số DA đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3,624 tỉ USD, đạt 39,4% tổng vốn đăng ký.
Theo ông Sơn, bên cạnh dòng vốn FDI, trong quý 1/2021, Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 46 DA trong nước với số vốn đăng ký 1.772 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 2.058 DA đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 245.272 tỉ đồng.
Tạo bứt phá mới trong thu hút đầu tư
Tiếp nối thành công từ công tác thu hút đầu tư, ngày 19.4 tới đây, UBND tỉnh Long An sẽ chủ trì và phối hợp với một số đối tác tổ chức tọa đàm “Phát triển vùng kinh tế công nghệ cao”.
Chương trình tọa đàm do UBND tỉnh chủ trì, dự kiến có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu là đại diện các bộ ngành T.Ư và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Buổi tọa đàm là dịp để Long An tạo bứt phá mới trong thu hút các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tài chính ở trong nước và trên thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết năm 2021, tỉnh Long An phấn đấu có trên 1.500 ha đất sạch trong các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, đón làn sóng FDI đang di chuyển về Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ các DA hạ tầng công nghiệp, trong đó chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng ngoài khu, cụm công nghiệp như giao thông, điện, nước. Giai đoạn 2021 – 2025, Long An tập trung đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều DA giao thông quan trọng kết nối nội tỉnh và các địa phương khác trong khu vực. Các DA này khi hoàn thành sẽ kết nối thông suốt từ các khu, cụm công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
“Thời gian tới, Long An tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, khắc phục hạn chế, khó khăn chủ quan từ phía địa phương và đưa ra các giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… tạo ấn tượng tốt, thu hút nhà đầu đến với Long An. Kỳ vọng, sau tọa đàm sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, đề án thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển nhanh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; hướng đến xây dựng Long An trở thành đô thị thông minh, đáng sống”, ông Út chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, trong tháng 3.2021 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Long An đã tổ chức buổi tiếp, làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cùng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu môi trường đầu tư tại Long An. Sau chuyến làm việc, phái đoàn Hàn Quốc cho rằng, Long An sở hữu nhiều tiềm năng bứt phá để trở thành điểm đến hấp dẫn trong đầu tư, phát triển kinh doanh. Hầu hết DA trọng điểm của tỉnh đều nằm trong vùng được kết nối hạ tầng giao thông tốt, là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai DA nhanh chóng, hiệu quả và sinh lợi cao.
Nguồn: https://thanhnien.vn/von-fdi-chay-ve-long-an-nhieu-nhat-ca-nuoc-post1057460.html